Lịch sử và ý nghĩa của lá cờ Tổ Quốc
Lịch sử lá cờ quốc kỳ Việt Nam quốc kỳ Việt Nam
Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp (23-11-1940). Tác giả sáng tạo ra lá cờ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh này là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (sinh ngày 5-3-1901 tại Hà Nam. Tâm huyết của tác giả khi sáng tạo ra lá cờ Tổ quốc được khắc họa rõ nét trong bài thơ của ông:
Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì nước
Sao vàng tươi, da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sỹ nông công thương binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.
Tháng 5-1941 tại Khui Nậm, Cao Bằng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Trung ương VIII quyết định thành lập tổ chức Việt Nam độc Lập đồng minh - đoạn mở đầu chương trình Việt Minh ghi rõ: "Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ". Đây là văn bản đầu tiên, chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã ghi vào Hiến pháp: "Quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh".
Sau ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã liền một dải. Từ ngày 24-6 đến 3-7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại Thủ đô Hà Nội, đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó công nhận Lá cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ý nghĩa của Lá cờ đỏ sao vàng
Nền đỏ tượng trưng cho cách mạng, màu vàng là màu truyền thống tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, và năm cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - đó là hồn nước, là niềm tự hào, là biểu tượng thiêng liêng bất khả xâm phạm của bản sắc dân tộc Việt Nam.
Do đó, việc treo cờ cũng cần phải có ý thức tôn nghiêm:
- Không sử dụng cờ Tổ quốc không đúng quy định về kích thước, tạo hình.
- Không sử dụng cờ Tổ quốc đã phai màu, rách, thủng.
- Không để cờ tuột xuống dưới trụ cờ.
- Không treo cờ ở những nơi khuất, tối.
- Không treo cờ dưới những bảng hiệu, biển quảng cáo.
- Không treo cờ dưới những vật dụng kém mỹ quan như: màn che, tấm che nắng, che bụi, sào (dây) phơi đồ…
- Khi không treo cờ nữa thì đem cờ bảo quản ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm một cách cẩn thận.